1. Phong cách tối giản Minimalism là gì?
Đơn giản là đỉnh cao của cái đẹp. Phong cách tối giản (Minimalism) là triết lý tập trung vào sự đơn giản bằng cách loại bỏ các yếu tố không cần thiết. Chú trọng vào việc giảm bớt mọi thứ để không gian không bị quá tải bởi các chi tiết trang trí thừa.
Nói cách khác, Minimalism có nghĩa là “tối thiểu”, là bản chất của cái đẹp được đơn giản đến mức cơ bản. Các thiết kế được giản lượt đến gần bản chất của chúng nhất. “Ít hơn, nhưng tốt hơn”. Sức mạnh của phong cách Minimalism nằm ở việc tạo ra giá trị cho không gian. Đơn giản nhưng vẫn có sức sống và tràn đầy cảm hứng.
2. Xu hướng tối giản Minimalism xuất hiện khi nào?
Phong cách tối giản – Minimalism xuất hiện vào cuối thập kỷ 1950 và đầu thập kỷ 1960. Ảnh hưởng bởi nền văn hóa, triết học của Nhật Bản, và phong cách kiến trúc Bauhaus, De Stijl.
Câu ngạn ngữ nổi tiếng “ít hơn là nhiều hơn – less is more” có nguồn gốc từ bậc thầy người Mỹ gốc Đức Ludwig Mies, van der Rohe. Những người này đã đóng góp vào việc phát triển kiến thức và triết lý của Minimalism. Đồng thời cũng đã tạo ra nhiều công trình nổi tiếng.
3. Một số đặc điểm của thiết kế tối giản Minimalism?
Thiết kế nội thất tối giản từ bỏ lối trang trí cầu kỳ. Nhấn mạnh sự không phô trương, nhằm giải tỏa áp lực cuộc sống, và mang đến một bầu không khí tươi sáng. Cụ thể:
- Hình thức đơn giản: không kể lể, loại bỏ mọi yếu tố không cần thiết để tạo ra không gian sạch sẽ. Các yếu tố đưa vào đều có chủ đích.
- Đề cao chức năng hơn hình thức: tập trung vào công năng sử dụng. Đồ nội thất, và trang trí có tính thực tế. Các món đồ phải phục vụ mục đích cụ thể.
- Tính thực dụng và sự thanh lịch: sắp xếp các vật dụng và đồ nội thất một cách gọn gàng và có trật tự, để tạo ra không gian sạch sẽ.
- Lựa chọn màu sắc thông minh: sử dụng ít màu sắc nhất có thể. Màu trắng thường được sử dụng làm màu nền, từ đó, tạo ra bước đệm hoàn hảo tương phản cho đồ nội thất bên trong.
- Nội thất vừa đủ: phong cách Minimalism coi trọng chức năng của đồ nội thất. Mọi thứ trong không gian phải có mục đích, và không nên xuất hiện vô ích.
- Đồ trang trí hạn chế: các phần trang trí trong không gian Minimalism thường được giới hạn để tránh gây nhiễu loạn. Đồ trang trí kiểu tối giản Minimalism thường có thiết kế đơn giản và hiện đại.
- Giải pháp lưu trữ gọn gàng: hệ thống lưu trữ ẩn để giấu đi các vật dụng cũng như dây nhợ, nhưng ngôn ngữ thiết kế vẫn thống nhất.
- Sơ đồ mặt bằng mở: loại bỏ các bức tường không cần thiết. Các không gian chức năng liên thông với nhau, mục địch để tạo cảm giác không gian được mở rộng.
- Ánh sáng tự nhiên được chú trọng: tập trung vào việc sử dụng ánh sáng tự nhiên bằng việc mở rộng cửa sổ và cửa kính lớn.
- Sử dụng vật liệu: Gỗ, kim loại, bê tông, đá cẩm thạch, kính, v.v…cũng góp phần vào sự hài hòa và cân đối của tổng thể không gian. Đồng thời nhấn mạnh thời đại của nền văn minh hiện đại.
4. Ứng dụng phong cách Minimalism trong nội thất
Thiết kế nội thất theo phong cách tối giản Minimalism không có nghĩa là không gian trống rỗng. Mà là mọi đồ vật đều có mục đích rõ ràng. Một không gian tối giản và êm dịu giúp đầu óc bạn tỉnh táo, và cho phép bạn tập trung vào những điều thiết yếu.
Không gian sống theo phong cách tối giản Minimalism có thể giải tỏa áp lực trong cuộc sống. Từ căn hộ chung cư, cho đến những biệt thự sang trọng, phong cách Minimalism đều mang đến vẻ đẹp độc đáo và tinh tế. Tất nhiên cũng không kém phần sang trọng. Vì thế mà thiết kế nội thất phong cách tối giản ngày càng được những gia đình trẻ yêu thích hơn.
5. Phòng khách tối giản Minimalism
Để thiết kế phòng khách tối giản theo kiểu Minimalism, bạn cần có các yếu tố phù hợp, nhằm tạo ra không gian thanh lịch:
- Sofa: chọn sofa có thiết kế đơn giản, và màu sắc trung tính như trắng, xám. Đường nét thẳng, hoặc mềm mại tùy thích, nhưng hãy chắc là không có các chi tiết phức tạp.
- Bàn trà: một bàn trà có thiết kế tối giản. Thường là bàn tròn, hoặc bàn vuông với vật liệu và kết cấu đơn giản.
- Kệ tủ: sử dụng kệ hoặc tủ có thiết kế tối giản để trưng bày sách, đồ sưu tầm. Tất nhiên thiết kế phải đảm bảo sao cho mọi thứ không xáo trộn về mặt thị giác.
- Tranh ảnh: nếu bạn muốn treo tranh lên tường, hãy chọn chủ đề đơn giản. Thậm chí tranh không cần khung, và cũng không nên quá nhiều màu sắc.
- Đèn chiếu điểm spotlight: sử dụng đèn chiếu điểm để làm nổi bật các điểm nhấn trong phòng khách. Đèn có thiết kế đơn giản và hiện đại, và điều chỉnh được cường độ sáng tùy theo khu vực. Cụ thể như khi đọc sách, hoặc không gian sum họp gia đình..
- Thảm sàn: để kết nối không gian, bạn hãy chọn thảm trải sàn có kích thước phù hợp, họa tiết đơn giản, và màu sắc trung tính.
- Ghế Armchair: bổ sung chiếc ghế armchair ở vị trí hấp dẫn, vừa tạo ra một góc thư giãn, vừa là nét chấm phá cho không gian. Ghế có thể được đặt gần cửa sổ để tận hưởng ánh sáng tự nhiên.
- Các đồ trang trí: nếu có đồ trang trí, hãy chọn những món đồ có thiết kế đơn giản. Sắp xếp có chủ đích để tạo sự hài hòa và cân bằng thị giác.
6. Phòng ngủ Minimalism
Là nơi mà bạn muốn dành nhiều thời gian nhất, nhưng đừng nghĩ rằng phòng ngủ phong cách tối giản là sẽ tạo ra một không gian lạnh lẽo và trống trãi.
- Giường: đóng vai trò là tâm điểm của phòng ngủ, nhưng chỉ cần chiếc giường có thiết kế đơn giản. Không cần sử dụng đầu giường, hoặc đầu giường quá nhiều chi tiết.
- Chăn ra gối nệm: các tông màu trung tính (như màu be dịu, màu trắng kem hoặc màu xám nhạt) là cách để đạt được cảm giác tối giản thực sự trong phòng ngủ của bạn. Hãy nhớ rằng, quá nhiều hoa văn có màu sắc sẽ dễ dẫn đến xung đột.
- Rèm cửa: sử dụng rèm voan mỏng để mang lại nhiều ánh sáng tự nhiên. Điều này sẽ giúp căn phòng có cảm giác cởi mở, và tối giản hơn.
- Tủ quần áo: tránh thiết kế quá cồng kềnh. Các ngăn kéo, tay nắm nên được ẩn đi. Cũng như quần áo nên được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng để cho cảm giác sạch sẽ.
- Kệ tủ: nếu bạn là người thích những vật kỷ niệm hoặc sưu tầm, bạn không cần phải từ bỏ việc theo đuổi phong cách tối giản Minimalism. Tuy nhiên, bạn cần đảm bảo rằng tất cả những thứ đó vẫn ở mức tối giản.
- Tác phẩm nghệ thuật: hãy cố gắng chọn một tác phẩm mà bạn yêu thích nhất, thay vì phủ kín bức tường bằng tranh ảnh.
7. Nhà bếp tối giản
Ít nhưng chất lượng. Nhà bếp là khu vực được hưởng lợi nhiều nhất từ kiểu thiết kế đơn giản này. Bằng cách thực hiện một số thay đổi, nhà bếp của bạn không những bớt lộn xộn, mà còn dễ sử dụng hơn.
- Loại bỏ sự bừa bộn: hầu hết chúng ta đều có nhiều đĩa, ly và cốc…hơn mức cần thiết, khiến tủ bếp trở nên bừa bộn. Nếu muốn có một căn bếp với thiết kế tối giản, bạn cần giảm số lượng đồ dùng, và chỉ giữ những thứ cần thiết nhất.
- Lưu trữ: chìa khóa của phong cách tối giản là càng nhiều không gian trống càng tốt, vì vậy hãy tận dụng tối đa không gian đựng chứa phía sau cánh tủ. Cũng như cân nhắc việc loại bỏ một số vật dụng nhà bếp mà bạn không sử dụng thường xuyên.
- Màu sắc tủ bếp: suy nghĩ lại cách phối màu. Một bảng màu trung tính là rất quan trọng đối với thiết kế bếp tối giản. Việc sử dụng các màu sắc đồng nhất sẽ khiến khu vực này có vẻ rộng rãi hơn so với thực tế.
- Loại bỏ các tay nắm: thay thế những cánh cửa đơn sắc, và không có tay nắm. Nếu cánh tủ quá đơn điệu, có thể chọn loại thanh đơn giản thay vì tay nắm truyền thống.
8. Phòng tắm phong cách Minimalism
Ngày càng có nhiều người khám phá ra rằng, phòng tắm là nơi tuyệt vời để thư giãn và tìm lại nguồn năng lượng tươi mới. Thiết kế phòng tắm tối giản khuyến khích cơ thể nhanh chóng tái tạo năng lượng hơn. Cụ thể:
- Màu sắc trung tính: sử dụng màu sắc trung tính như trắng, xám, cho tường, sàn, gạch ốp lát, và các bề mặt tủ, sẽ giúp tạo cảm giác sạch sẽ. Những màu này đồng thời cũng làm tăng sự thanh lịch cho không gian.
- Gạch lớn và đơn giản: chọn gạch lớn với thiết kế đơn giản cho tường và sàn. Gạch lớn tạo ra một bề mặt mịn màng và ít đường roan, cho cảm giác thanh lịch và dễ dàng làm sạch.
- Tủ kính và gương: sử dụng kính và gương để tạo cảm giác không gian mở và tăng cường ánh sáng. Tủ gương tích hợp với việc lưu trữ ẩn để không gian rộng rãi hơn.Giá treo khăn tắm trên tủ lavabo cũng là một tính năng bổ sung hữu ích.
- Thiết bị phòng tắm: bồn rửa liền khối cho cái nhìn tối giản. Các phụ kiện như móc treo khăn, kệ đựng xà phòng cần đơn giản để tránh sự “ồn ào” cho không gian.
9. Phong cách tối giản Minimalism theo cách của bạn
Minimalism không chỉ là phong cách thiết kế, mà còn thể hiện phong cách sống. Vì thế, trước khi quyết định thiết kế nội thất theo phong cách tối giản, bạn nên lập kế hoạch.
Cân nhắc cách bạn sống, xác định nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của mình. Từ đó, phác họa ý tưởng, chuẩn bi ngân sách. Và quan trọng, hãy tìm nhà thiết kế đồng hành cùng bạn, từ khi bắt đầu cho đến khi hoàn thành dự án.
``Nhà của bạn phải là nơi mà bạn cảm thấy ngay như ở nhà mỗi khi bước vào. Đó mới là giá trị để bạn để tận hưởng cuộc sống. Mỗi người là duy nhất, và điều đó thách thức tôi đưa ra giải pháp phù hợp với từng khách hàng”
— Tuan Eke
Founder