1. Phòng thay đồ – walk in closet là gì?
Phòng thay đồ là một tên gọi khác của khu vực lưu trữ tủ quần áo, nhưng được bố trí trong một không gian đủ lớn. Nơi mà mọi người có thể thoải mái đi lại và cất giữ quần áo, giày dép, thậm chí là phụ kiện, trang sức.
Lợi ích của phòng thay đồ giúp bạn có thể cất giữ hầu hết quần áo tại đây. Từ đó giải phóng các không gian khác trong nhà.
Phòng thay đồ thường được coi là biểu hiện của sự sang trọng, và thường thấy ở những ngôi nhà có diện tích lớn. Thậm chí là những gia đình có điều kiện kinh tế khá.
Đã qua rồi, thời tủ quần áo chỉ là nơi để cất giữ đơn thuần. Ngày nay, mọi người coi phòng thay đồ là biểu tượng của sự giàu có. Nhưng cho dù bạn có phòng thay đồ lớn hay nhỏ, thì các ý tưởng thiết kế vẫn là vô tận.
2. Vị trí phòng thay đồ
Cách bố trí phòng thay đồ có tiện nghi hay không là ở việc bạn di chuyển đến và đi một cách dễ dàng. Tốt nhất nên bố trí cạnh phòng ngủ, hoặc bên trong phòng ngủ. Ngoài ra có thể bố trí cạnh phòng tắm, hoặc ngay lối vào của phòng ngủ.
3. Diện tích phòng thay đồ
Tiêu chuẩn phòng thay đồ cho hai người nên có kích thước tối thiểu từ 5.5m2 đến 12m2. Với những phòng Luxury thì có thể lên đến 16m2, cho phép bạn có các tủ lưu trữ trên cả ba bức tường. Thậm chí là một khu vực ngồi ở giữa và đảo tủ phụ kiện.
4. Một số lưu ý khi thiết kế phòng thay đồ
- Tối ưu không gian khoa học và dây chuyền công năng hợp lý.
- Sử dụng các giải pháp lưu trữ theo chiều dọc, và chiều ngang
- Đảm bảo giao thông xung quanh không bị cản trở.
- Lý tưởng nhất là mỗi người sẽ có không gian riêng.
- Sắp xếp quần áo theo nhóm màu sắc và kiểu dáng.
- Chọn tông màu quần áo phù hợp với phần còn lại trong phòng.
- Chọn phụ kiện phù hợp với thiết kế tủ quần áo.
- Treo những bộ quần áo bạn thường mặc cùng nhau
5. Kích thước tủ quần áo phòng thay đồ
Về chiều rộng, tủ quần áo tiêu chuẩn có thể thay đổi từ 800mm đến 1200mm. Kích thước này cho phép bạn lưu trữ quần áo trên móc, kệ hoặc ngăn kéo.
Chiều sâu của tủ quần áo thường từ 470mm – 600mm, tùy vào thiết kế bằng hệ phụ kiện hay dùng hệ cánh tủ, cũng như phụ kiện công năng đi kèm.
Đối với kệ quần áo xếp, chiều sâu tối thiểu là 400mm. Chiều cao kệ có thể linh hoạt tùy chỉnh cao thấp theo nhu cầu.
Với quần áo treo, chiều cao tối thiểu là 1050mm. Độ cao áp dụng cho khoang tủ treo váy đầm là 1350mm – 1500mm.
6. Các yếu tố để thiết kế một phòng thay đồ đẹp
6.1. Phụ kiện công năng
Lưu ý rằng, phụ kiện công năng là một trong những thành phần đắt tiền nhất của tủ quần áo. Mỗi thành phần có một chức năng và kích thước riêng biệt. Điều tuyệt vời là, những phụ kiện này sẽ đảm bảo tất cả các vật dụng của bạn được lưu trữ đẹp mắt. Mọi thứ có thể truy cập ngay lập tức và dễ nhìn thấy.
6.2. Gương soi toàn thân
Gương không chỉ phục vụ chức năng, mà còn tạo ra cảm giác về sự rộng rãi. Hoàn hảo để thử trang phục nhanh chóng, đồng thời khuếch đại cảm giác về không gian trông lớn hơn so với thực tế.
Vị trí đặt gương có thể trên cánh tủ, trong tủ, hoặc tường đối diện. Nhưng phải đủ không gian để có thể nhìn ngắm một cách thoải mái khi thử trang phục. Tuy nhiên, quá nhiều gương có thể gây ra hiệu ứng méo mó và ảo giác.
6.3. Đảo phụ kiện
Bàn đảo tủ quần áo là một đơn vị lưu trữ độc lập, có kích thước từ L1200 x W900 x H1000mm. Một tủ đảo ở giữa rất hiệu quả để lưu trữ những vật dụng nhỏ hơn, và lưu giữ những vật dụng thiết yếu. Chẳng hạn như phụ kiện trang sức, bóp ví, v.v…
6.4. Bàn trang điểm
Là một yếu tố không thể thiếu và là điểm nhấn trong bất kỳ căn phòng nào. Lý tưởng nhất là đặt nó ở vị trí có ánh sáng tự nhiên. Tuy nhiên, nếu diện tích không cho phép, bạn có thể bố trí nó ở phòng ngủ.
6.5. Chiếu sáng
Chọn một nơi thông gió tốt có cửa & cửa sổ lớn để lấy ánh sáng tự nhiên, giếng trời là một gợi ý thú vị. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa ẩm mốc cho quần áo của bạn.
Ánh sáng gián tiếp sẽ cho cảm giác dễ chịu.
Đèn Led là một ý tưởng tốt, bởi nó tạo ra ánh sáng dịu nhẹ và tiết kiệm năng lượng. Hơn nữa, khả năng khuếch tán ánh sáng, cũng như đảm bảo mọi vật dụng đều dễ nhìn thấy & tiếp cận
6.6. Màu sắc & vật liệu
Vật liệu và màu sắc tùy thuộc vào sở thích và kích thước của phòng. Tuy nhiên, màu trung tính thường được ưa chuộng hơn, vì chúng cho cảm giác sạch sẽ và thoáng rộng.
Có nhiều loại vật liệu trên thi trường hiện nay, với nhiều màu sắc khác nhau. Như Melamine, Laminate, Lacqueer, nhôm kính, v.v… Nhưng dù màu sắc & vật liệu gì chăng nữa, thì bạn phải tạo ra sự thú vị về mặt thị giác.
6.7. Sự thoải mái và riêng tư
Sự thoải mái và riêng tư phải là mối quan tâm hàng đầu. Thêm rèm cửa, vách ngăn, v.v…nhằm duy trì sự riêng tư. Thêm chỗ ngồi với băng ghế rộng rãi là những cách đơn giản để cung cấp thêm không gian tiện ích.
6.8. Bảo mật và an toàn
Hãy cân nhắc đến vấn đề an ninh khi thiết kế phòng thay đồ. Hầu hết mọi người cất giữ đồ có giá trị của họ trong tủ. Vì vậy điều quan trọng là phải có các tính năng an ninh tốt nhất. Ví dụ như khóa số, khóa vân tay.
7. Lựa chọn thiết kế cho phòng thay đồ
Có một vài điều cần lưu ý trước khi bạn quyết định chọn loại hệ tủ. Một số hệ tủ đi kèm với các phụ kiện được làm sẵn. Nhưng cũng có các hệ tủ tùy chỉnh, may đo theo diện tích phòng của bạn.
Có hai hình thức thiết kế phòng thay đồ. Một dạng không gian mở không có cánh tủ, và loại đóng kín với các cánh tủ. Cánh tủ có thể là vật liệu kính khung nhôm, gỗ, hoặc bọc da, bọc vải, v.v…Mỗi một định dạng có những ưu, nhược điểm khác nhau.
7.1. Phòng thay đồ không gian mở
Hệ thống tủ quần áo mở là hệ tủ không có cánh tủ. Thường thấy ở những không gian lớn, có phòng ngủ chính và phòng thay đồ riêng biệt. Nghĩa là phần cứng sẽ trưng bày quần áo khi bạn bước vào phòng.
Về cơ bản, hệ thống mở tương tự như cách trưng bày trong cửa hàng thời trang, với cách bố trí dễ tiếp cận. Chúng được sử dụng một hệ thống với những thanh treo và giá đỡ đặc biệt. Nhưng phong cách này đòi hỏi sự sắp xếp, và giữ mọi thứ gọn gàng.
Hệ thống này có tính thẫm mỹ cao và rất ấn tượng. Đòi hỏi kỹ năng gia công & lắp đặt cũng như chi phí cao. Dễ dàng làm đẹp bằng các đồ trang trí như tranh ảnh và tác phẩm nghệ thuật.
7.2. Phòng thay đồ với hệ cánh tủ
Là lựa chọn tốt nhất cho những không gian có diện tích hạn chế. Hoàn hảo cho những người theo chủ nghĩa tối giản. Ngoài ra, còn để hạn chế tầm nhìn và khả năng tiếp cận vào khu vực này.
Tủ quần áo với cánh tủ đóng kín sẽ giúp không gian của bạn trông gọn gàng và ngăn nắp, đồng thời bảo vệ quần áo khỏi bụi. Tuy nhiên, chúng sẽ trông đơn điệu và dễ nhàm chán.
Phòng thay đồ đóng kín có không gian lưu trữ hạn chế hơn, nhưng lại dễ bảo hành bảo trì. Mẹo để chúng trông hấp dẫn hơn là sử dụng cánh nhôm kính. Chúng cho phép nhìn rõ mọi thứ, trong khi vẫn đảm bảo tránh bụi.
8. Lời kết
Chìa khóa để thiết kế phòng thay đồ đẹp là thói quen và sự sắp xếp hợp lý, cũng như các giải pháp lưu trữ như phụ kiện ray kéo. Giá treo, rỗ đựng, mâm xoay, v.v…
Hãy dành cho mỗi món đồ một không gian được chỉ định. Điều này giúp giữ không gian sạch sẽ và gọn gàng. Đồng thời giúp bạn dễ dàng tìm thấy mọi thứ một cách nhanh chóng.
Ngoài ra, bạn có thể thêm một tấm thảm, một tác phẩm nghệ thuật, hoặc cây xanh để không gian thêm cá tính.